|
Ảnh minh họa |
- Chúng ta lắm lúc không
thể kiềm chế sự ghen tuông trong quan hệ tình cảm. Tuy nhiên, ghen cũng
không khó chế ngự một khi ta hiểu rõ ghen là gì và ghen khiến cảm xúc
trong lòng ta biến chuyển ra sao.
1. Hiểu cảm xúc của chính mình:
Ghen là sự đan xen giữa nỗi lo sợ và sự giận dữ. Ghen
bùng nổ khi ta lo sợ sẽ đánh mất một điều gì đó, đồng thời cảm giác tức
giận ai kia sẽ có được điều mà chúng ta nghĩ rằng chỉ mình mới có mà
thôi.
2. Hãy cho phép bản thân cảm nhận những cảm xúc đó theo hướng tích cực:
Bạn hãy bình tĩnh cảm nhận những cảm xúc đó. Khi bắt
đầu cảm thấy ghen, bạn hãy tự hỏi: “Mình ghen vì sợ hay vì giận nhiều
hơn?”. Nếu cảm giác dạ dày trĩu nặng hay nhói đau, có thể bạn đang sợ.
Nếu thấy vai và quai hàm dường như tê cứng, hẳn là lửa giận đang bừng
bừng trong lòng bạn. Bạn cũng có thể cảm nhận đồng thời hai loại cảm
xúc trên.
3. Chia sẻ cảm xúc:
Hãy chia sẻ cảm xúc thật của mình với người ấy nhưng
không ngụ ý phiền trách. Điều này sẽ giúp gia tăng sự thông cảm giữa
đôi bên. Chẳng hạn thay vì nói: “Lẽ ra em không nên xử sự như thế”, hãy
nói: “Anh rất buồn khi em xử sự như vậy”.
4. Ghen tuông đã mang lại cho bạn được những gì?
Cơn ghen là dấu hiệu báo cho bạn biết bạn đang muốn gì
và điều gì quan trọng đối với bạn. Nếu ghen vì ai đó trò chuyện với bạn
gái mình, hẳn bạn chỉ muốn cô ấy dành tình cảm cho riêng bạn mà
thôi. Khi bạn có lời giải đáp cho các câu hỏi “Tại sao mình ghen? Điều
gì khiến mình ghen? Mình đang cố gắng giữ lấy cái gì? Tại sao mình lại
có cảm giác bất an?", bạn sẽ hiểu mình cần phải làm gì để bảo vệ điều
mà bạn đang lo sợ bị kẻ khác “cướp đi”.
5. Thay đổi các niềm tin sai lệch, nguồn gốc của sự ghen tuông:
Niềm tin sai lệch, mù quáng thường là khởi nguồn của
cơn ghen vì làm gia tăng sự xúc động nơi chúng ta. Khi một cô gái cho
rằng “Mất anh ấy, tôi chẳng thể yêu ai được nữa”, cô rất dễ dàng bùng
phát cơn ghen.
Tuy nhiên, niềm tin hoàn toàn có thể thay đổi. Tin
tưởng vào một điều gì đó tích cực sẽ giúp chúng ta cảm nhận vấn đề theo
chiều hướng tích cực hơn. Chúng ta sẽ cảm giác hạnh phúc, thoải mái
trong lòng và nỗi sợ hãi, giận dữ, ghen tuông tự dưng cũng tan biến đi.
Một số lời khuyên thực tiễn giúp bạn khắc phục cơn ghen
1. Đôi khi ta nghĩ ghen về ai là yêu người đó.
Thật ra ghen không phải là yêu, đó chỉ là nỗi sợ và tức giận vì lo mất
người mình yêu. Khi bạn thật sự yêu bản thân mình đồng thời yêu người
khác, bạn sẽ không còn ghen nữa.
2. Hãy cố gắng chia sẻ nỗi khổ tâm của mình với một người bạn tin tưởng. Nếu cho rằng ghen là vấn đề riêng tư, bạn cũng nên kín đáo tâm sự với các chuyên viên tâm lý để có được lời khuyên thích hợp.
3. Chính nỗi lo mất đi sự an toàn và việc tự đánh giá thấp bản thân đã làm nảy sinh sự ghen tuông phi lý. Hãy lưu ý đến những vấn đề đó trước tiên.