Một tối trời mưa, nằm nhà xem 'Breaking and Entering' ,
nghe soundtrack 'Schindler's List' thấy cuộc sống có vẻ thiếu gia vị
thì phải. Ngoài đường phố tấp nập ồn ào, tiếng hò hét, tiếng cãi vã,
tiếng hờn dỗi chửi bới... tất cả như một nồi lẩu thập cẩm đầy những hờn
ghen trách cứ.
Đôi khi tự hỏi, giả sử nếu trong một ngày nào đó xung
quanh ta mọi thứ chợt yên lặng, chẳng ai có thể nói được tiếng nào, mọi
người chỉ trao đổi được với nhau qua cử chỉ và ánh mắt giống như một
thế giới của người câm vậy, thì không hiểu thái độ sống có khác đi
không nhỉ? Có thể có và cũng có thể không.
Nếu bị câm, người ta sẽ vẫn tìm mọi cách để trao đổi
với nhau, có máy tính thì online chat chít, máy điện thoại thì chỉ còn
dịch vụ nhắn tin, bàn phím sẽ to ra cho dễ thao tác, còn nếu trao đổi
trực tiếp người ta sẽ dùng ký hiệu tay... nhưng có lẽ không có nhiều
người nhớ rằng, loài người còn có cách khác để giao tiếp với nhau, đó
là ánh mắt và những vòng tay.
Tôi vẫn nhớ hồi còn học cấp 3, tôi thích xem một bộ
phim của Nhật, trong đó nhân vật chính là một cô gái câm, cô không thể
giao tiếp với thế giới bên ngoài bình thường như mọi người được nhưng
gương mặt cô, ánh mắt cô thì có thể nói lên tất cả.
Đôi mắt to tròn vui lên rạng rỡ khi cô hạnh phúc, và
cũng chính đôi mắt ấy nhiều lần cùng cô và những giọt nước mắt ẩn mình
trong căn phòng nhỏ. Trong số chúng ta, không có nhiều người giấu được
cảm xúc qua ánh mắt nhưng đôi khi cũng có không ít người chưa biết gửi
đến người khác một ánh mắt trìu mến.
Mới đây, một cô bạn của tôi vừa chia tay người yêu,
lý do là anh chàng kia không biết cách biểu đạt tình cảm của mình và
anh ta cũng chẳng biết cách đọc được cảm xúc của người yêu. Họ chia tay
nhau, có vài người tiếc cho họ, nhưng tôi thì không. Tôi vẫn nghĩ, nếu
người ta thực sự yêu nhau, người ta có thể vượt qua những rào cản, hoặc
sự vụng về để trở nên tinh tế hơn, hay chí ít là chỉ cần để ý thêm một
chút đối phương là họ có thể cảm được rồi. Tình yêu hãy hiểu theo một
nghĩa rộng hơn, là tình cảm giữa con người với con người, giữa vợ với
chồng, giữa anh với em, bạn bè, đồng chí, họ hàng làng mạc... nhưng bản
chất vẫn là... sự quan tâm đến nhau.
Nếu không còn quan tâm, không còn lo lắng cho nhau
thì cũng là lúc tình cảm đã mất, mà nếu ta thực sự yêu thương ai đó,
muốn chăm sóc quan tâm đến họ thì dù là một người khô khan, thiếu nhạy
cảm, vẫn có thể hiểu được phần nào cảm xúc của người kia. Ngày nay, khi
công nghệ thông tin len lỏi vào từng ngóc ngách của cuộc sống thì chỉ
cần một tin nhắn cũng đủ làm ấm áp một tâm hồn, một câu chúc ngủ ngon
cũng đủ để mở ra một giấc mơ thật đẹp. Vậy mà có nhiều người vẫn không
làm được.
Áp lực cuộc sống? Căng thẳng? Các mối quan tâm khác?... đó đều không phải là những lời biện hộ chính đáng.
Khoảng hơn hai năm trước, khi phong trào Free Hug
tràn đến Việt Nam, đã có không ít các bạn trẻ tham gia, nhưng liệu
trong số họ có bao nhiêu người hiểu hết được ý nghĩa của một cái ôm? Có
lẽ những người biết được giá trị đó đều ít nhiều là những người đã từng
chịu mất mát trong cuộc sống.
Một cái ôm giữa một đứa con ngỗ nghịch luôn bất tuân
và bướng bỉnh với một người cha sống hà khắc và khuôn khổ có thể làm
hai người biết rằng: cả hai cha con đều yêu thương nhau nhưng không
hiểu mong muốn của nhau để từ đó có thể hàn gắn dần tình cảm. Một cái
ôm giữa một người vợ hay cáu kỉnh và một ông chồng luôn bận bịu công
việc có thể giúp họ biết rằng họ vẫn cần nhau đến mức nào. Và cả cái ôm
nồng ấm tình người với người mẹ già đang mong ngóng đưa hài cốt đứa con
trai duy nhất trở về cũng đủ giúp bà phần nào nguôi đi nỗi đau mẫu tử.
Chẳng ai ngạc nhiên khi phong trào Free Hug
của cái anh chàng Juan Mann lại được hướng ứng rộng rãi đến thế, vì chỉ
một cái ôm thôi của hai người dù lạ xa lạ nhưng thực sự muốn chia sẻ
với nhau cũng đủ để làm những nỗi đau bớt đi phần nào và niềm vui cũng
được tăng lên gấp bội.
Người châu Á, nhất là đàn ông thường không có thói
quen đó, họ ít khi ôm người cùng giới và khó khăn nhất chắc là với ông
bố của mình. Đó cũng một phần là lý do hầu hết các ông bố đều xung khắc
với con trai. Họ cũng ít khi ôm người khác giới nếu người đó không phải
là người yêu hay vợ mình vì "Nam nữ thụ thụ bất thân" nhưng... giả sử
một ngày nào đó người ta bắt đầu có thói quen chia sẻ và chào hỏi nhau
bằng một cái ôm thì tôi tin mọi người sẽ có cơ hội tiến gần đến nhau
hơn, để sẻ chia và để chúng ta biết rằng chúng ta vẫn luôn được bao bọc
bởi tình thương.
Vậy đấy, dù già hay dù trẻ, dù sang hay nghèo thì con
người ai cũng cần tình thương để sống và tồn tại. Và đôi khi chỉ một
ánh mắt trìu mến, một vòng tay ấm áp cũng đủ để ta truyền đi một thông
điệp mà không một ngôn từ nào có thể diễn tả được.