Nghĩ mà thấy khổ, khổ ơi là khổ... sao yêu lại khổ thế này?
Khi bé ai mà bắt chờ cơm thì...
thôi rồi! Quên đi nhé! Cháu vốn mập mạp, người ta đói một cháu đói 10,
mẹ cứ phải cho cơm ăn trước, hoặc cho vài xiên thịt. Đi chợ mua được 2
lạng thịt quay (nhà tớ vốn nghèo 4 người chỉ cần 2 lạng thịt thôi),
cũng phải bảo bác bán thịt thái cho cháu "bé" một miếng trước: to, nạc
(để nhai lâu ạ)... Càng lớn mình càng ngoan hơn, ra đường không phải
"xin thịt" nữa, mà còn biết tự đi chợ, và nấu ăn cho bố mẹ.
Đùng một cái, yêu! Phải tự nấu ăn, đương nhiên! Nhưng phải mời cơ, mời tử tế chứ! Đoàng
một cái, cưới! Giờ thì chiều anh về số 6, chiều anh về số 7, cơm canh
lúc nào cũng túc trực độ nóng và huy hoàng rực rỡ nhất. Có lúc bụng đói
mẻo mèo meo, chả bao giờ dám gọi trách anh về muộn, chỉ lo điều anh về
muộn quá, cơm canh lại nguội đi mất. Thêm nữa lại nghĩ, thôi thà thế
còn hơn đùng cái có bác gọi: "Gấu ơi Kent bị ngã gãy tay rồi!" như cái
hồi mấy tháng trước. Nói chung là sao? Nói chung là gì? Đã là vợ thì
phải yêu thương chồng hết mực, chớ có lắm lời!
Đêm nằm chồng ngáy o o... Cứ
trước khi ngủ lại phải "an ủi động viên" chồng, cho "bệnh tình" thuyên
giảm, nhưng rồi đâu lại vào đấy. "Khèn khèn... khẹt!" Tiếng ngáy vẫn nở
ra ô ố, cứ gọi là giòn tanh tách! Nhưng mà sao? Nhưng mà gì? Nhìn mặt
búng bính mỗi lần tức bực lại nghĩ thương thương, khổ thế cơ chứ! Thành
ra ở đời muốn ác được là khó lắm, phải qua khoá rèn luyện hẳn hoi, chứ
không dễ gì mà làm được.
Tuy thế trong cái rủi lại có
cái may, tình cảm mẹ chồng - nàng dâu ngày càng thêm phần thắm thiết.
Mỗi lần như vậy mẹ lại bảo: "Gấu ơi xuống đây!", lúc nào vợ chồng có
chí choé tranh nhau mảnh giường tấm gối thì mẹ lại bảo: "Gấu ơi xuống
đây!" Rồi mẹ liền đóng cửa: "Không cho nó vào được nữa". Cứ như vậy
Kent ta tiếp tục "nức nở" ngáy một mình trên gác, mẹ con cùng bịt tai
coi thường.
Hồi xưa cấm có ai bắt nạt nhá!
Mặc dù tính mình vốn tồ nhưng lại rất chi là hung hăng hống hách, cái
gì cũng đòi nhất. Nhưng đến khi lớn rồi, lấy chồng rồi, nhã nhặn hơn
hẳn. Chồng có lúc quên luôn mình là nhất, nói năng rất chi là "đá đểu",
làm mình cay cú. Nhưng mình không mấy khi nói lại, tức quá là gào rú
thảm thiết, ăn vạ chập cheng một hồi, thấy chồng từ từ cúi lạy, tâng
mình lên hàng đầu, như thể hoàng thái hậu giá lâm, cách cách cát tường
ý. Nhưng như thế là gì? Như thế cũng có nghĩa là mình đã mất đi vẻ kiêu
bạc ngày trước, giờ sống cũng đã có đức nhân hậu lắm rồi.
Lấy chồng sao khổ thế? Yêu đã
là cái phạm vi khổ nhất đời rồi, nhưng lấy xong càng yêu hơn thì còn
khổ thêm gấp bội. Trước trách ai thì tha hồ trách móc, cứ gọi là tả tơi
hoa lá. Nhưng nay có trách lại nghĩ thương (mà cái sự dằn vặt lương tâm
thì chỉ riêng mình đau đớn, rồi lại nghĩ vòng vo thế nào một lúc cái
tội của hắn lại xoay sang mình). Thế mới khổ tâm chứ! Nhìn đi nhìn lại
vẫn thấy tình chồng mênh mông như biển lớn, xoay đi xoay lại như sóng
vỗ xung quanh, "làm sao cho khỏi ướt" (nghe câu này quen quá!), nên lúc
nào cũng thấy trong người nao nao một nỗi niềm xúc động chân thành,
nhiều khi quất nghẹn con tim.
Túm lại, vợ chồng là khi: Khác yêu Hơn yêu Nhiều hơn cả yêu.
Là khi bất chợt trong lúc dọn
nhà nhặt được mẩu thuốc lá trong chiếc gạt tàn bên bàn phím, thoáng
nghĩ ngay cái lúc chồng một mình nghĩ chuyện... Là khi trời mưa, chỉ mong chồng về muộn, cho cơn mưa tạnh hẳn. Là khi, vác gối xuống ngủ với mẹ, cho giấc ngủ chồng được đầy, hơn là đạp tung chồng xuống đất. Là
mỗi ngày thay cho chồng một chiếc khăn tắm, là quần áo lúc nào cũng là
lượt tinh tươm, là sáng sáng dạy sớm hơn một chút để bật nước nóng cho
chồng tắm và chuẩn bị cơm nước cho chồng, cho đến khi nhìn thấy chồng
ra khỏi cửa. ...
Nếu không có tình yêu Nếu không có học thức Nếu không có sự ý thức thực thân Đó dễ là một sự cam chịu.
Nhưng nếu có, đó là một hạnh
phúc. Bởi hạnh phúc của người vợ: là được làm bạn đời, làm em gái, làm
con nít, và có lúc còn phải làm mẹ nữa... Đây là những điều mình học
được từ mẹ chồng mình. Sưu tầm
|