Bà
xã tôi vốn dân tin học, tôi là dân thương mại, kinh doanh. Hai đứa sống
hiện đại như... Tây (ấy là mẹ tôi nói thế. Vì vậy mà năm hết Tết đến,
mẹ tôi lo lắm. Mới 17, 18 Tết, mẹ tôi bất thần sang nhà tôi vào một tối
thứ Bảy. Bà ngồi dõng dạc nói: "Hoa (tên vợ tôi), con mang cuốn sổ ra
đây, mẹ nhắc cho nhớ phải cúng kiếng những lễ gì, kiêng cữ những gì ba
ngày Tết. Chứ không vợ chồng con làm lộn lên hết thì còn đâu là lễ
nghĩa, may mắn đầu năm nữa".
Những chuyện "ông bà dặn"
Theo
như lời mẹ dặn thì trời ơi, cái danh sách "phải kiêng" nó dài đến hàng
cây số. Trước tiên là những điều kiêng mà tôi đã biết từ đời nào. Và
hình như người Việt Nam ta ai cũng biết. Đó là chuyện kiêng quét nhà,
hốt rác đổ ra ngoài.
Chẳng biết ở thời đâu đẩu đầu đâu nào đó,
có ông lái buôn người Trung Quốc được tặng cô hầu giỏi giang, tháo vát.
Nhà ông giàu lên nhanh chóng. Có lần ngày Tết, ông giận đánh đòn cô
hầu. Cô sợ chui vào đống rác. Thế là nhà ông ngày càng nghèo. Chỉ vì
cái cô hầu tên Như Nguyệt ấy mà bây giờ gần như 100% dân số Việt Nam
không quét nhà, đổ rác ba ngày Tết. Thôi thì cũng may. Đời sống mới
hiện đại bây giờ, nhất là vợ chồng tôi ở chung cư. Từ ngày 29, 30 Tết,
Ban quản lý chung cư đã treo biển: "Ngày mùng Ba mới bắt đầu lấy rác.
Các gia đình không được vứt rác ra ngoài hành lang làm mất vệ sinh và
mỹ quan ba ngày Tết". Thế là không kiêng cũng cứ phải kiêng. Có ai gom
ra đâu mà đổ.
Chuyện kiêng kỵ thứ hai cũng không kém phần quan
trọng là chuyện xông đất. Không phải ngày đầu năm mới, ai xông nhà cũng
được, hay mình thích đến nhà ai là đến. Phải tính toán xem chủ nhà và
khách có hợp tuổi, hợp tính, hợp mạng hay không. Cái này phức tạp vô
cùng. Vì chẳng lẽ mấy ngày cuối năm gặp ai cũng hỏi: Anh tuổi gì? Sinh
giờ nào? Nhà năm nay có tang hay không?...
Những chuyện này, vợ
tôi được mẹ tôi dặn dò kỹ lắm nên nàng cũng tuân thủ nghiêm ngặt. Trước
tình huống này, tôi đành phải lấy quyền làm chồng ra để ra lệnh: Đêm
giao thừa, vợ chồng mình sẽ ra chùa gần nhà, thắp nén nhang khấn khứa
trời đất, xin nhành lộc mang về, rồi mình tự "xông nhà" mình luôn. Vậy
là khỏi phiền toái, trách móc ai hết. Việc nhà mình mình phải tự lo
chứ.
Chuyện kiêng kỵ thứ ba thì vô cùng có lợi cho vợ tôi. Cuối
năm, bạn bè gửi tặng bao nhiêu là lịch treo tường, mà cái nào cũng đẹp.
Mấy cô người mẫu cô nào cũng xinh tươi chúm chím. Thấy tôi lựa những cô
đẹp nhất treo lên, vợ tôi gạt phắt bảo: "Mẹ dặn treo tranh gà, heo, em
bé, hoa thôi mới hên, qua năm mới sung túc". Gà, heo, em bé thì không
có nên cuối cùng nhà tôi chỉ treo toàn lịch hoa. Thôi thì... cũng được,
cho nó rực rỡ nhà cửa.
Mấy ngày Tết, vợ tôi lúc nào cũng dặn dò:
"Không được nói mấy từ xúi quẩy mà anh thường nói nhé, kiểu như "chết
rồi" hay "tiêu rồi" là không có được đâu đấy. Miệng lúc nào cũng phải
tươi cười, không được cãi cọ, giận dữ với nhau...". Thế là đến cả lời
ăn tiếng nói cũng phải giữ gìn. Đến là mệt. Tôi chẳng hiểu sao vợ tôi
có thể "tiếp thu" bài nhanh đến thế. Cằn nhằn nàng, nàng bảo: "Bây giờ
mình là chủ gia đình, phải người lớn lên chứ. Ông bà dặn gì, cứ thế mà
làm thôi".
Có kiêng có lành
Cằn
nhằn thì cằn nhằn, nhưng nhìn theo "khuynh hướng" lạc quan thì tôi thấy
chuyện kiêng cữ nào cũng có cái lợi nho nhỏ của nó. Ví như chuyện rác
rến. Nhờ có cái chuyện kiêng cữ này mà nhà tôi được giữ gìn sạch sẽ ba
ngày Tết, hành lang chung cư cũng sạch bóng. Mà nhất là ra đường, tôi
thấy hình như cũng chả mấy ai vác rác ra đổ.
Đêm 30, đã gần đến
giờ giao thừa mà vẫn còn thấy công nhân vệ sinh gom rác đường phố. Sáng
mùng Một, mùng Hai, đường phố tinh tươm thấy... mê.
Chuyện xông
đất thì có hơi... phiền toái. Năm đầu tiên, mỗi khi trong nhà có chuyện
là vợ tôi lại moi óc nghĩ xem hồi Tết, ai đã đến xông nhà để "đổ vấy"
cho người ta. Chính vì thế mà tôi mới nghĩ ra cái chiêu tự mình xông
nhà mình cho không ai bị mang họa vào thân. Mà có lẽ cũng nhờ vậy mà
tôi càng có "trách nhiệm" hơn với gia đình, phải làm sao cho năm nay
khá hơn năm ngoái, cho nàng tín nhiệm cái vai trò xông đất của tôi.
Không thì cứ nghĩ đến cái đoạn vắt óc xem ai số "hên" để mời tới xông
nhà, hay đóng cửa im ỉm treo biển "Miễn tiếp khách ngày mùng Một" mà
nàng đề ra là tôi... phát hoảng.
Còn chuyện kiêng cữ lời ăn
tiếng nói là tôi "hoan hô" nhất. Mấy ngày Tết, vợ chồng tôi ít cãi cọ,
tranh luận hẳn. Nàng kiêng lắm. Tôi có đi đâu về trễ chút, đến nhà bạn
bè có chuếnh choáng chút, về nhà cũng được nàng tha thứ nhanh hơn. Mà
thực ra mấy ngày đó, đi đâu, vợ chồng tôi cũng báo cho nhau hay rủ nhau
đi cho có đôi có cặp, nhường nhịn nhau nhiều hơn. Thế nên ba ngày Tết
thật vui.
Kiêng nói lời xấu, kiêng giận dữ, nặng nhẹ nhau là
tôi thấy hay nhất trong mọi điều kiêng. Tết mà, khởi đầu mọi sự tốt
đẹp. Dù làm thế nào cũng phải giữ được niềm vui trọn vẹn trong ít nhất
ba ngày chứ. Đến ba ngày mà vợ chồng còn không làm cho nhau vui được
thì nói chi chuyện sống cả đời.
Cho đến bây giờ đã 5 năm sau ngày
cưới, vợ tôi vẫn giữ nguyên cuốn sổ ghi chép lời mẹ dặn. Nàng cũng cố
thực hiện những điều ghi trong đó một cách nghiêm chỉnh. Nghĩ tới
chuyện này là tôi lại buồn cười vì trước đó cứ tưởng vợ tôi chỉ ghi cho
có mà thôi. Vì tính nàng vốn cũng phóng khoáng, tự do. Ai dè thành vợ,
thành mẹ, nàng cũng biết tuân theo nguyên tắc và bắt tôi phải tuân
theo. Mà đến khi tuân theo tục lệ cũ trong một lẽ sống mới, một cách
nhìn mới, tôi thấy mọi việc cũng nhẹ nhàng và... có lợi.
Ông bà
ngày xưa thâm thúy lắm, chắc cũng đã nghĩ xa nghĩ gần, nghĩ đủ cho mọi
đời sau rồi. Chẳng biết có phải nhờ kiêng cữ đúng không mà vợ chồng tôi
đã trả hết nợ ngân hàng, nhà thực sự là nhà của chúng tôi. Công việc
của hai vợ chồng đều tấn tới. Và quan trọng là trong nhà từ đầu năm đến
cuối năm chan hòa tiếng cười vui. Tết sắp đến rồi. Tôi lại phấn khởi
chuẩn bị kiêng cữ theo tinh thần của mình đây.