“Điệp khúc” quen thuộc này từ các ông chồng, nhiều bà vợ đã nghe hằng
ngày đến thuộc làu. Chuyện “kẹt” mỗi chiều của đàn ông được lý giải bởi
một ông chồng, một nhà tâm lý nam và một bà vợ...
Chồng: “Tôi nghiện bạn bè!”
Tôi là người rất có trách nhiệm. Từ khi bà xã sinh cu
Bi, tôi toàn tâm toàn ý lo cho gia đình. Mỗi khi tan sở bạn bè í ới nhá
máy tụ họp, tôi cũng nôn nao lắm. Nhưng chăm con nít cực trần thân, hai
người còn lo không xuể huống chi bỏ mặc một mình bà xã. Riết rồi bạn bè
“bo xì” mình hồi nào không hay. Bù lại, mỗi chiều đi làm về cu Bi chạy
lủn tủn ra đón cha, hôn lia lịa rồi ngọng nghịu: “Thương cha nhất nhà”,
sung sướng không còn gì bằng. Mỗi tối tôi chơi với con. Bà xã vừa xếp
quần áo vừa xem tivi... Bức tranh gia đình hạnh phúc thật hoàn hảo.
Nhưng trong lòng tôi có gì đó không ổn. Đành rằng tin
tức thời sự đã có tivi, báo đài... nhưng tôi cảm thấy con người mình
lạc hậu như từ thế kỷ trước còn sót lại. Có lẽ là thiếu hơi... “chiến
hữu” và những câu chuyện “nghị trường lai rai” bên bàn nhậu luôn thú vị
hơn bất cứ mục điểm tin tức nào của báo đài. Cu Bi đã lớn, mỗi tối
không còn phải dạy con rèn chữ, làm toán... nên tôi thất nghiệp! Những
hôm tôi đi làm về sớm, cu Bi đi học thêm chưa về, bà xã thì dán mắt vào
tivi. Đi ra đi vào không biết làm gì, tôi thấy mình như Robinson trên
hoang đảo, mà còn tệ hơn Robinson, ông kia còn có Thứ Sáu làm bạn, còn
tôi ế nhệ bạn từ đời nào... Rồi thời cuộc đã đẩy đưa tôi “trở lại thiên
đường” như vậy đó!
Tôi nhớ lúc tôi còn nhỏ, mỗi lần ba má cãi nhau tôi
rất mong có bạn của ba đến chơi. Vì bạn đến, ngay lập tức ba tôi trở
nên vui vẻ, cục tức xẹp xuống như bóng xì hơi. Rôm rả cụng ly với bạn
một hồi, ông hầu như quên mất đã cãi nhau với vợ.
Người ta hay nói phụ nữ nhiều chuyện. Theo tôi cũng
hơi oan cho các chị. Đàn ông bây giờ nhiều chuyện hơn phụ nữ nhiều.
Sáng vào công ty đã xúm quanh bàn cà phê tán gẫu, buổi trưa cũng cà
phê, chiều lại rủ nhau làm vài lon để... nói tiếp. Chuyện ở đâu không
biết, nói từ sáng đến tối không hết. Vắng bạn vài ba ngày đã thở dài
sườn sượt còn hơn thất tình. Thỉnh thoảng được đi công tác xa càng thú
vị. Chỉ có cánh đàn ông với nhau tha hồ bù khú. Bà xã tôi hay đùa: “Mỗi
lần anh đi công tác lại vui như... hưởng tuần trăng mật mới về”.
Tôi
nghiệm ra trong cuộc đời người đàn ông có bốn giai đoạn chính: giai
đoạn đầu gia đình và bạn bè đều quan trọng như nhau. Đến khi yêu thì
nàng là quan trọng nhất. Kết hôn rồi thì con là số 1, nàng là số 2. Khi
con đã lớn, gia đình đã đi vào nề nếp thì lúc này bạn bè lại chiếm ngôi
đầu. | Đàn ông lai rai
nhiều khi không đơn thuần là uống cho say mà chỉ là nhu cầu tán gẫu với
bạn, giải tỏa bớt áp lực công việc. Vui cũng tìm bạn, buồn cũng tìm
bạn, không vui không buồn cũng tìm bạn để... coi bạn có gì vui không!
Đó là cách giải tỏa stress hiệu quả nhất. Thiếu bạn, thiếu hơi quán xá
náo nhiệt anh nào cũng ủ rũ như... mèo bị cắt tai. Trong hôn nhân, càng về sau vợ chồng càng ít có
chuyện để nói. Không lẽ ngày nào cũng mắm muối tương cà lên giá, con
hôm nay mấy điểm, nội ngoại có ai đau ốm... Gia đình tôi thuộc hàng yên
ấm tôi còn ngán. Anh bạn tôi kể có lần anh về khuya thấy bà xã đầu bù
tóc rối, ngồi lắc lư trên võng ru đứa nhỏ, bắc cái bàn bên cạnh dạy đứa
lớn học bài. Lương tâm cắn rứt, anh thề từ nay sẽ về sớm phụ vợ. Nhưng
chỉ được vài hôm đã thấy anh lò dò đi tìm “chiến hữu” than: “Ở nhà thêm
bữa nữa chắc tớ chết”. Đành mang tiếng xấu là chỉ biết sung sướng một
mình, bỏ mặc vợ chèo chống chuyện nhà. Trong bàn nhậu có lần anh em đã
đem chuyện này ra bàn, bàn tới bàn lui một hồi thì ra được cái gút:
dường như đàn ông không được lập trình để... chịu đựng và hi sinh như
phụ nữ. Âu cũng là do... Trời định, biết làm sao được!
Có hôm bà xã tôi rủ rê: “Chiều nay anh về sớm em làm
lươn um, gỏi gà lá chanh...”. Chương trình nghe rất hấp dẫn. Tôi ngoan
ngoãn phụ vợ nhặt rau, dọn bàn. Nghe bạn nhá máy, tôi lại nhấp nhổm
không yên. Cái xác ngồi nhà nhưng hồn đã... bay tới quán lẩu cá kèo,
đậu luôn ở đó. Thành ra ngồi nhà ăn uống với vợ con mà thấy như mình
đang diễn kịch, bên ngoài cười cười nói nói mà bên trong ruột héo queo,
teo nhách teo nhơ...
Bởi vậy, dù đã cố đấu tranh tư tưởng đủ kiểu, cuối
cùng phần thắng bao giờ cũng thuộc về... phe ta. Phải lên đường thôi,
làm vài ve mỗi chiều rồi mới về nhà... yên nghỉ được. Vợ réo cứ réo,
“tự kiểm” cứ làm đều đều nộp vợ, thậm chí còn bị mang ra hội đồng gia
đình nhà mình lẫn nhà vợ “đấu tố”, cạo lên cạo xuống mấy lần... nhưng
anh nào anh nấy vẫn trơ trơ. Cứ đến hẹn là “kẹt”! Bởi đã gọi là nghiện
mà, thuốc nào chữa cho được!
NGUYỄN ĐỨC
Vợ: “Coi chừng quên mất đường về nhà!”
Tôi là người phụ nữ may mắn vì có ông chồng khá “ngoan
hiền”. Ngoài giờ làm việc anh chỉ biết có gia đình. Tất nhiên thỉnh
thoảng anh vẫn có tiệc tùng hoặc những chầu vui vẻ với bạn bè. Nhưng
bao giờ anh cũng báo cho tôi biết trước hoặc đột xuất thì điện thoại về
để vợ khỏi lo. Điều đáng “biểu dương” là anh biết dừng đúng lúc, chỉ
uống đúng uống đủ chứ không để... dư cho vợ phiền hà. Riêng khoản này
thôi ông xã tôi đã xứng đáng được điểm 10, dù những khoản như giúp vợ
việc nhà, chăm con... anh đều dưới trung bình!
Nói thế để thấy rằng phụ nữ không đòi hỏi gì nhiều ở
người bạn đời, chúng tôi hiểu và rất thông cảm với nhu cầu đặc thù của
cánh mày râu.Vấn đề là nhậu ở mức độ nào và trách nhiệm với gia đình ra
sao? Trên thực tế, có không ít ông chồng chăm chỉ kiếm tiền lo cho vợ
con, nhưng chiều đến họ không nghĩ đến việc nhanh về nhà để cùng ăn bữa
cơm sum họp (có thể là duy nhất trong ngày) mà cả gia đình đang mong
đợi.
Họ còn có những cuộc hội ngộ thú vị với “chiến hữu” ở
quán nhậu, làm vài ve (hay vài chục ve) để thư giãn, xả stress, để...
gì gì nữa, phụ nữ không tài nào hiểu hết. Lý do chắc là nhiều, nhưng có
một lý do tuy không cá biệt vẫn gây sốc cho chị em, đó là: “Về sớm nghe
bả càu nhàu chuyện tiền bạc con cái thêm ngán...”. Có lần tình cờ nghe
được câu này từ một “bia thủ”, tôi giật mình, nhưng sau nghĩ lại thấy
câu nói không hoàn toàn vô lý và người nói chắc cũng không... ác ý với
vợ, chỉ là họ chưa cố gắng hiểu nhau.
Cuộc sống hiện nay tạo cho người phụ nữ rất nhiều áp
lực, giá cả tăng cao, con cái học hành, chuyện cơ quan... tất cả đều
nóng và căng thẳng khiến họ rất mỏi mệt. Đơn cử việc tưởng chừng đơn
giản nhất là đi chợ... Đâu chỉ cầm tiền ra chợ là mua ngay được thức ăn
mang về. Thời buổi khó khăn cái gì cũng đắt đỏ, khẩu vị mỗi người trong
nhà mỗi khác, phải tính xem mua gì để ai cũng ngon miệng, đủ dinh dưỡng
và quan trọng nhất là không bị thâm hụt ngân quỹ... Đây là bài toán khó
mà mỗi ngày người nội trợ đều phải tìm cách giải hay nhất.
Tất nhiên vì toán khó nên thường bị... bí, những lúc
đó “nhà toán học” mặt mũi đăm chiêu, đi lên đi xuống quanh chợ mỏi cả
chân mà giỏ xách vẫn... trống trơn! Nỗi lòng này nếu không nói ra, cánh
mày râu làm sao hiểu được! Phụ nữ khi bị stress không thể... nhậu để
giải tỏa nên nhu cầu tâm sự trở nên rất cấp thiết, mà đối tượng thì còn
ai ưu tiên hơn chồng mình!
Có thể cách chia sẻ của chị em đôi lúc quá “nhiệt
tình” nên đối tác bị... dội, tâm sự biến thành ca cẩm... Nhưng nếu
người chồng chịu khó hiểu và thông cảm với vợ, tìm lời động viên hoặc
góp ý thay vì tìm vui bên bàn nhậu và trách móc ngược lại bà xã, chắc
mọi việc sẽ tốt hơn nhiều...
Tất nhiên chúng tôi hiểu bạn bè và những mối quan hệ
xã hội là nhu cầu không thể thiếu trong cuộc sống các ông chồng. Với
cánh đàn ông, mối quan hệ ấy dường như được củng cố bên bàn nhậu. Các
bà xã dù không thích vẫn phải chấp nhận như một quy luật nghiệt ngã của
muôn đời... Nhưng dẫu sao xin quý ông hãy tự đặt cho mình một giới hạn
cần thiết, đừng để ngày nào đó những “ông thần ve” và các “chiến hữu
hèm” trở thành nguyên nhân chính khiến ta quên mất đường về tổ ấm thì
quả là... bi kịch!
HOÀNG HÔN
Nhà tâm lý: “đàn ông la cà để... phô trương thanh thế!”
Trong cuộc sống, đàn ông luôn muốn người xung quanh
chứng thực được giá trị của mình bằng nhiều hình thức, trong đó có “tự
đánh bóng “và “tự giới thiệu”. Vì vậy la cà đâu đó là cách tốt nhất để
phô trương thanh thế! Ở quán, họ được tự do nói về mình và về nhiều thứ
khác mà ít sợ ai đó phát hiện mình nói... dối, bởi ngoài vợ con biết
“ráo trọi”, họ thường là người đáng kính và vô tư với mọi người trong
bàn tiệc.
Quán xá cũng là nơi đàn ông tìm được thế thượng phong
khi trổ tài trong hội thi tửu lượng và được định vị “giá trị” trong sự
tán dương của bạn bè! Ngoài ra, ở quán xá, các ông luôn cảm thấy tự do
khi không có ai “chiếu tướng” như ở nhà mình, đó là một cảm giác “an
toàn có thời hạn”.
Vài
người cho rằng thế giới sẽ trở nên nhỏ bé hơn khi đàn ông quay về với
các giá trị thực có của mình trong... gia đình. Ở đó họ phải đối diện
với trách nhiệm, với chuẩn mực và với mong đợi của một người... cầm lái! |
Trò chuyện chỗ đông người còn là một hình thức “xả xú
páp” của đàn ông. Ở quán xá, chẳng ai cấm người ta uống, chẳng ai ngăn
người ta nói, chẳng ai cản người ta hát và chẳng ai biết khi nào người
ta...về.
Đó chính là điều khiến đàn ông thích phiêu lưu cùng
bạn bè trong quán. Quan sát sau giờ tan tầm, hàng quán khắp nơi nhan
nhản cánh đàn ông cười vui tíu tít và “hết mình” với “chiến hữu” trong
vài giờ mong manh trước khi về nhà làm người... yên lặng!
Trong nhà, đàn ông trở nên...ngoan hiền, còn ở ngoài
kia anh ấy lại là người nhiệt tình hùng biện. Xin được lý giải giùm đàn
ông: bất cứ ở đâu (ngoại trừ ở nhà!), đàn ông không muốn mình là người
ngoài cuộc trong bất kỳ lĩnh vực nào, họ không muốn mình trở thành “kẻ
cô đơn”, thích được làm người quan sát, thích được tán dương, thích
được tự do tung tẩy theo cách của mình nên các “không gian mở” chứa
nhiều bia, rượu... đã trở thành nơi để họ trải nghiệm. Một khi các bà
vợ tìm cách “mềm hóa” không gian gia đình để đàn ông được bộc lộ đúng
bản chất thì họ sẽ rất dễ thương trong nhà của mình. Nhưng phương pháp
để mềm hóa không gian gia đình thì cho đến nay vẫn còn là một... ẩn số!
Tiến sĩ ĐINH PHƯƠNG DUY
|